Đó là khẳng định của Phó Giáo sư Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội khi nói về việc trường này sẽ được tự chủ tài chính trong năm 2018.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Hinh cho biết, trường đã chuẩn bị cho việc tự chủ tài chính từ hai năm nay, hiện tại nhà trường vẫn đi học tập kinh nghiệm từ các trường đã được tự chủ.
Tuy nhiên, do Nghị định 77 về thí điểm tự chủ của Chính phủ đã hết hiệu lực nên hiện nay đang thiếu khung pháp lý để có thể tự chủ.
Phó Giáo Sư Nguyễn Đức Hinh cho rằng, cốt lõi của tự chủ là tự do học thuật. Phải để các thầy được tự chủ chuyên môn. Họ không phải đi xin phép ai, không phải đi xin phép những người không biết. Dạy về mổ như thế nào, dạy về chữa bệnh đối với một con người ra sao, các thầy phải được quyết định.
Tương tự, Phó Giáo sư Hinh cho hay, cấp chứng chỉ hành nghề cũng thế. Ví dụ như làm thợ nề, phải để cho những ông thợ nề trưởng hội nghề nghiệp quyết định, chứ không phải ông chủ nhiệm hợp tác xã không biết gì về nề cấp chứng chỉ được. Hãy để những người đứng đầu mỗi ngành mỗi nghề quyết định việc cấp chứng chỉ hành nghề hay chương trình đào tạo cho các học viên của mình – Phó Giáo sư Hinh một lần nữa nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tự chủ, dư luận thường quan tâm đến học phí của các trường. Về vấn đề này, người đứng đầu trường Đại học Y Hà Nội khẳng định, học phí đào tạo ngành y ở tất cả các nước đều là đắt nhất, cao nhất. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định, dù tự chủ về tất cả mọi thứ thì các trường vẫn phải thu theo nghị định 86.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư Hinh – Hiệu trưởng Đại học Y đưa ra quan điểm tự chủ là thuộc tính của các trường Đại học. Nhà nước không thể bao cấp mãi cho người học được. Những người có đủ năng lực kinh tế, sức khỏe thì có thể nộp tiền để học. Còn người khó khăn, chính phủ sẽ có những chính sách như cho vay để học.
Theo đó, việc đi học Đại học là một khoản đầu tư cho tương lai và người học phải có trách nhiệm với khoản đầu tư này. Vì đây là đầu tư cho nghề nghiệp nuôi sống mình, khi nhà nước đầu tư thì người học phải có trách nhiệm ràng buộc với nhà nước. Chứ không thể như hiện nay được, đi học Đại học bố mẹ vẫn cấp tiền và nhà nước lại còn bao cấp thêm. Người học không có trách nhiệm gì với việc học. Kinh tế cũng là một động lực để giúp sinh viên học tập tốt hơn – Phó Giáo sư Nguyễn Đức Hinh phân tích.
Mặc dù vậy, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Hinh khẳng định, khi tính toán học phí, các trường đều dựa trên sức chi trả của người dân cũng như chất lượng đào tạo của mình, nên không có chuyện ở Việt Nam mà thu học phí như bên nước ngoài được. Cũng như chất lượng dưới đất mà thu học phí trên trời như thế thì các trường sẽ tự phá sản.